[Nhân Vật] Những Nhân Vật Truyền Cảm Hứng Cho Marathon Thế Giới

anh mai
Đăng ngày 03/02/2023
681 Lượt xem
0 Người yêu thích
Thêm vào yêu thích

Marathon không đơn thuần chỉ là chạy quãng đường 42,195 km mà còn là môn thể thao truyền cảm hứng bậc nhất hành tinh, khi hàng nghìn người đều có thể tham gia mỗi giải chạy, cùng lan tỏa một tinh thần thể thao.  Marathon dạy chúng ta bài học về sự kiên định, sự kỷ luật cũng như lẽ sống tích cực rằng luôn có thành công chờ bạn phía trước miễn là bạn nỗ lực, tận hiến.

Không chỉ có những giải Marathon với lịch sử hơn 100 năm như Boston Marathon, Paris Marathon… và những giải đua lớn nhất thế giới tổ chức tại New York, Tokyo,…bộ môn "sức bền và tốc độ” này còn có sức hấp dẫn mạnh mẽ nhờ những nhân vật "có sức nặng bền bỉ" – những người hùng đã đi vào huyền thoại truyền cảm hứng cho cho cộng đồng marathon trên toàn thế giới.

Fauja Singh (Ấn Độ) – VĐV lớn tuổi nhất thế giới từng chạy marathon 

Fauja Singh - sinh ra ở tiểu bang Punjab (Ấn Độ) năm 1911 trước khi sang định cư ở Anh. Ông bắt đầu sự nghiệp chạy Marathon ở tuổi 89 (năm 2000), không lâu sau khi con trai và vợ qua đời.

Ông liên tiếp lập kỷ lục khi hoàn thành tổng cộng 9 cuộc thi Marathon có cự ly 42 km ở London (Anh), Toronto (Canada) và New York (Mỹ) bất chấp những cảnh báo về sức khỏe trên đường chạy.

Năm 2011 tại "Special Ontario Masters Association Fauja Singh Invitational Meet", một sự kiện được tổ chức tại Canada, cụ ông phá 8 kỷ lục điền kinh thế giới nhóm tuổi 100. 

Cụ Singh đã chạy 100 m hết 23 giây 14; để dễ so sánh thì kỷ lục thế giới 100m do Tia chớp Jamaica Usain Bolt lập tại Olympic Bắc Kinh 2008 khi anh 22 tuổi là 9 giây 58.

Cụ cũng hoàn thành 200m với 52 giây 23, 400m là 2 phút 13 giây 48, 800m trong 5 phút 32 giây 18, 1500m trong 11 phút 27 giây 81, 01 dặm (1,6km) trong 11 phút 53 giây 45, 3000m trong 24 phút 52 giây 47 và 5000m sau 49 phút 57 giây 39. Tất cả các kỷ lục trên của cụ Fauja Singh đều khó có ai phá nổi bởi ngay cả ở nhóm tuổi 95 thì cũng không có ai chạy được như cụ.

Tại London Marathon 2003, cụ hoàn thành cuộc đua marathon đạt thành tích 6 giờ 2 phút. Cũng ở tuổi 92 năm đó, cụ xác lập kỷ lục thế giới chạy marathon nam lứa tuổi trên 90 khi hoàn thành Toronto Waterfront Marathon 2003 với thời gian tốt nhất 5 giờ 40 phút. Đây là thành tích ngay cả người 20 tuổi mới lần đầu chạy marathon mà chưa tập luyện nhiều cũng không thể đạt được.

Cụ Fauja Singh sinh năm 1911 tại Ấn Độ, là người Sikh duy nhất chạy trên thế giới chạy được 42,195km ở tuổi 100.

Chính sự mất mát của những người thân gia đình chính là động lực cho ông Singh vượt qua những chặng đường Marathon gần như không thể thực hiện ở độ tuổi của mình. Nhờ đó, ngoài sự ngưỡng mộ và nể phục, ông đã truyền cảm hứng rất lớn cho phong trào thể dục thể thao thế giới.

Bí quyết sống lâu của ông Fauja Singh là cà ri gừng, trà và “sống vui vẻ”. Ông nói: “Bí quyết để sống lâu là không để bị stress. Hãy vui vẻ với tất cả những gì có được, tránh xa những người bi quan, giữ nụ cười và tiếp tục chạy”.

Maickel Melamed - Chàng trai khuyết tật truyền cảm hứng cho hàng triệu người

Melamed sinh năm 1975, vận động viên chạy đường dài người Venezuela, anh mắc bệnh loạn dưỡng cơ, một căn bệnh gây suy yếu và teo cơ bắp. Tuy nhiên, Melamed vẫn tham gia chặng đua Marathon Boston cùng với các tình nguyện viên của VAMOS (nghĩa là 'Hãy cho đi') - tổ chức do chính anh thành lập vào năm 2015.

Tại giải chạy này, người chạy nhanh nhất chỉ mất hơn 2 giờ, Melamed hoàn thành chặng đường hơn 42km với thời gian là 20 giờ bất chấp thời tiết mưa gió lạnh lẽo và cơ thể đau đớn. Là người về đích cuối cùng nhưng Maickel Melamed đã mang vinh quang về cho bản thân và cho cả đất nước.

Hơn 200 người Venezuela đã đi theo anh qua các đường phố của Boston. Những nỗ lực của Melamed được bạn bè anh và những người đi cùng cập nhật trên Twitter theo từng chặng đường. Anh kết thúc chặng đua của mình trong tiếng reo hò và chúc mừng của rất đông người theo dõi. Thị trưởng Boston, ông Marty Walsh đã trao cho Melamed một huy chương danh dự để chúc mừng thành công mới của anh.

Chàng trai khuyết tật chạy marathon truyền cảm hứng cho hàng triệu người

Melamed đã dành chiến thắng chính bản thân mình và trở thành người truyền cảm hứng cho rất nhiều người, trong đó có cả những người kém may mắn như anh.

Trước đó, Melamed đã tham gia vào một số chặng đua Marathon khác như ở Berlin, Chicago, New York và Tokyo theo một dự án của VAMOS nhằm truyền cảm hứng cho mọi người. Thông qua thể thao, anh muốn chứng minh cho mọi người thấy, chỉ cần quyết tâm, ai cũng có thể tỏa sáng.

Người sáng lập mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg - bận mấy cũng chạy

Năm 2016, tỷ phú công nghệ này tự đặt ra thử thách cho mình mang tên “A Year of Running” (Một năm chạy bộ, 365 dặm) tương đương 584km. Mỗi ngày, anh chạy ít nhất một dặm dù công việc có bận rộn cỡ nào.

Không chỉ chạy một mình, Mark đã truyền cảm hứng tới cộng đồng với việc lập một nhóm (Group) riêng để mọi người có thể chia sẻ, thảo luận về những hành trình chạy bộ của bản thân.

Mark cho biết: "Sẽ cần phải chạy khá nhiều, nhưng thử thách này chưa tới mức điên rồ. Thử thách này chỉ có một dặm, với tốc độ bình thường sẽ chỉ mất ít hơn 10 phút chạy mỗi ngày".

Tháng 7/ 2016, Mark chính thức hoàn thành dặm thứ 365 sau khi chạy bộ ở những thành phố khác nhau mà anh đi qua trong năm, trước thời hạn dự kiến đến 5 tháng, bởi vì “chạy bộ vui không tưởng”. Đối với anh, môn thể thao đơn giản này là cách tốt nhất để nâng cao sức khỏe cũng như rèn luyện tinh thần.

Không phải ngẫu nhiên, hầu hết người thành đạt trên thế giới đều thường xuyên chạy Marathon. Chạy vài km là cách tốt nhất để bắt đầu một ngày mới, giúp mọi người có đầu óc thoải mái, tinh thần vui vẻ, lạc quan qua đó nâng cao hiệu quả công việc và xa rời các thói quen xấu.

Khoảnh khắc Mark "high-five" với một người chạy khác tại một giải chạy ở San Francisco.

'Nhìn thấy nhiều người trong cộng đồng tham gia chạy đã truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng. Bây giờ, tôi có thể ra ngoài và chạy 20 dặm vào một buổi sáng chủ nhật nào đó ngon lành', người sáng lập mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg cho biết về lợi ích mà Marathon đã mang lại cho mình.

Hành động này của ông Mark Zuckerberg đã góp phần truyền cảm hứng cho rất nhiều người trẻ ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.

Eliud Kipchoge – Chân chạy marathon nhanh nhất thế giới hiện nay

Eliud Kipchoge (sinh ngày 5 tháng 11 năm 1984) là một vận động viên chạy cự ly dài người Kenya. Cái tên Eliud Kipchoge đã không còn xa lạ đối với làng điền kinh thế giới  - “Đế vương điền kinh đường trường", người xác lập kỷ lục chạy bộ đường dài chưa từng có trong lịch sử.

Anh hoàn thành cự ly 42,195 km với thành tích 2 giờ 1 phút 09 giây tại giải Berlin Marathon 2022, phá kỷ lục cũ do chính mình lập ra cũng tại Berlin Marathon (Đức) cách đây 4 năm với thời gian 2 tiếng 1 phút 39 giây (2018).

Vào tháng 10/2019 anh  cũng hoàn thành cự ly Full Marathon trong vòng chưa đầy 2 giờ đồng hồ (1 tiếng 59 phút 40 giây) ở đường đua Vienna (Áo). (thành tích này không được ghi nhận vì thi đấu với các điều kiện xung quanh đã được kiểm soát).

Sinh ra tại một vùng quê nghèo hẻo lánh ở Kenya, Kipchoge không có phương tiện đi lại, phải đi bộ nhanh để tới trường mỗi này. Giống nhiều huyền thoại thể thao khác, chính tuổi thơ nghèo khó đã góp phần hun đúc nên một Kipchoge vĩ đại như bây giờ.

Thành tích đầu tiên của VĐV Keyna là HC vàng ở cự ly 5.000m tại giải vô địch thế giới năm 2003 trên sân Stade de France, Saint Denis, ngoại ô Paris khi 18 tuổi. Anh sau đó nhận HC đồng tại Olympic 2004, HC bạc ở Olympic 2008, đều ở cự ly 5.000m. Khi sự nghiệp đang lên như diều gặp gió, Kipchoge đón nhận hẫng hụt lớn đầu đời, không đủ tiêu chuẩn góp mặt trong đội tuyển quốc gia tham dự Olympic 2012 dù đứng thứ bảy trong số 5.000 người tham gia. Kipchoge xem đó là nỗi thất vọng lớn nhất đời anh. Nhưng với tính cách của mình, chân chạy này biến nỗi thất vọng ấy thành cơ hội mở ra cánh cửa khác cho sự nghiệp điền kinh. Kipchoge chuyển sang các giải marathon chuyên nghiệp và có bước ngoặt lớn trong sự nghiệp.

Chế độ luyện tập hàng tuần của Eliud Kipchoge rất-đơn-giản: Các ngày thứ Hai-Tư-Sáu: Chạy bài bản; Thứ Ba-Bảy: Chạy tốc độ; Thứ Năm: Chạy đường dài hơn 40 km; Chủ Nhật: Nghỉ ngơi hoàn toàn.

Eliud đã chứng minh cho thế giới thấy rằng: không có thứ gì gọi là "giới hạn của con người", nhưng hơn cả, điều chúng ta được truyền cảm hứng nhất từ anh là về con người, lẽ sống, và tất cả những gì làm nên vinh quang của một chân chạy huyền thoại. Đó là sự kiên định với mục tiêu và sự tận hiến với đam mê của mình. Dù có khả năng thiên bẩm, thì thành công mà anh có được là sự kết tinh của những giờ luyện tập gian khổ, ý chí và tình yêu đối với chạy bộ.

Eliud Kipchoge từng nói: “Khi ý chí, trái tim và những ngày khổ luyện cùng bứt tốc, đích đến sẽ mở ra trước mắt. Bí mật của tôi là không có bí mật nào cả. Kiên định là chìa khóa của sự vĩ đại. Nếu một khi đã đặt mình vào khuôn phép, kiên trì thực hiện nó ngày này qua ngày khác, mùa này qua mùa khác thì thành công sẽ ở ngay dưới chân mình.” 

Nguồn: biên tập